Vợ lấy tiền của chồng, có tội không?
- Vụ án chị Nguyễn Thị Hải bị xét xử vì tự lý lấy 54 triệu đồng trong ví của người chồng (không có hôn thú) để trả nợ xây nhà được nhiều thẩm phán, kiểm sát viên phân tích kỹ dưới góc độ lý, tình.
TAND quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa hoãn phiên xét xử một bị cáo bị khởi tố về tội trộm tài sản khi lấy 54 triệu đồng của người sống chung như vợ chồng. Từ vụ án này, câu hỏi được đặt ra: nếu lấy tiền riêng của chồng (hoặc vợ) thì có phạm tội không?
Liên quan đến vụ án, viện KSND cùng cấp đề nghị rút hồ sơ để làm rõ thêm một số vấn đề.
theo bạn thì tội hay không có tội
Nếu là tài sản riêng: bị xử lý hình sự
Đó là quan điểm của một lãnh đạo viện kiểm sát cấp quận tại TP.HCM. Vị này cho biết: kể cả là vợ chồng mà chứng minh được đó là tài sản riêng của người chồng, nếu người vợ lấy vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trộm cắp.
Hơn nữa, trong vụ án ở quận Hoàng Mai, hai người này không phải là vợ chồng hợp pháp nên tiền của ai thì thuộc sở hữu của người đó. Nếu chứng minh rằng đó là tiền riêng của bị hại, việc xem xét trách nhiệm hình sự của người vợ không hôn thú là đúng quy định của pháp luật.
Đồng tình với ý kiến nêu trên, bà Huỳnh Thanh Duyên - thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM cũng nói: nếu chứng minh được các hành vi của người vợ nhằm chiếm đoạt tiền ngoài ý muốn của người chồng, luật có quy định đó là hành vi trộm cắp.
"Sở dĩ những việc này không được xem xét bởi Việt Nam ít xử những vụ việc kiểu như vậy, nhất là lâu nay quan niệm vợ chồng như một, tiền vợ là tiền chồng, tiền chồng cũng là tiền vợ. Trong khi đó, luật nước ngoài quy định rất rõ ràng" - bà Duyên nói.
"Chuyện tài sản, phải hiểu hai người là hai cá nhân độc lập, phần nào thỏa thuận là tài sản chung thì là tài sản chung, phần nào riêng là riêng, luật quy định thế.
Vợ tự cho mình quyền lục ví lấy tiền của chồng khi chồng không đồng ý là không đúng. Ngược lại cũng vậy. Muốn lấy để sử dụng chung phải có sự đồng ý của cả hai" - bà Duyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cả thẩm phán Duyên và vị kiểm sát viên đều cho biết đó là điều mà dân gian hay gọi là lý. Nhưng còn việc ăn ở với nhau được coi là cái tình. Cái tình vì con, vì nghĩa vợ chồng thì người chồng chẳng nên tố cáo vợ với công an, để rồi vợ phải chịu cảnh tù đày.
Cần xem xét toàn diện
Đó là ý kiến của ông Đỗ Đức Vĩnh, kiểm sát viên cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM. Ông Vĩnh cho rằng trong việc này nên xem xét, đánh giá toàn diện từ tình tiết đến mục đích, bối cảnh của hành vi.
Trong vụ án ở Hoàng Mai, giữa hai người dù không có hôn thú nhưng chung sống với nhau và có hai mặt con, có thể coi đây là hôn nhân thực tế.
Vấn đề ở đây không phải chuyện có đăng ký kết hôn hay không, mà là việc ở chung, nuôi con chung. Người chồng (không hôn thú) dù có tài sản độc lập với vợ vẫn phải có trách nhiệm chia sẻ để chăm sóc và dạy dỗ con cái.
Tiền riêng sử dụng cho việc chăm sóc gia đình được coi là phục vụ mục đích chung: nuôi nấng con cái, lo cho gia đình.
"Trong những câu chuyện cụ thể về việc vợ lấy tiền của chồng, nếu bối cảnh lấy tiền để trả công nợ chung của cả gia đình (ví như người chồng hứa đưa tiền để giải quyết một khoản chi tiêu nào đó nhưng lại không đưa khiến người vợ bức xúc, túng quẫn, lấy số tiền đó) thì phải xem xét lại hướng giải quyết.
Việc xử lý thế nào tùy thuộc vào quan điểm của từng người. Có người xử có án, nhưng có người chỉ xử lý hành chính để còn nhìn về tương lai cho những đứa con, đồng thời mang tính giáo dục là chính" - ông Vĩnh nói.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội - lại cho rằng quy định của luật pháp hiện nay là "bất ổn".
Chẳng hạn, cùng là tài sản, trong giao dịch dân sự quy định ngôi nhà được hình thành sau hôn nhân mà chỉ một người ký hợp đồng thế chấp thì hợp đồng đó vô hiệu. Nhưng cũng là tài sản, khi lấy tiền của nhau lại xử có tội là vô lý.
"Dù trong trường hợp này không có đăng ký kết hôn, nhưng phải hiểu theo đạo lý và một phần nào cả pháp lý rằng họ đã là vợ chồng" - ông Đức bày tỏ.
"Với số tiền như thế (54 triệu đồng) mà xem xét xử trách nhiệm hình sự đối với người vợ thì những đứa con của cặp vợ chồng đó sẽ lớn lên như thế nào khi đối diện với chuyện mẹ đi tù do trộm cắp tiền của bố?" - luật sư Đức đặt vấn đề.
Theo ông Nguyễn Trí Tuệ - phó chánh án TAND tối cao, hai người sống chung với nhau cả hơn chục năm, có đến hai mặt con, tất nhiên trong sinh hoạt phải đưa tiền hoặc lấy tiền của nhau lo cho con cái và cuộc sống. Đó là điều bình thường.
Nay có cái gì đấy ấm ức với nhau dẫn đến tố cáo ra công an thì phải xem xét cụ thể hoàn cảnh.
Ông Tuệ nhấn mạnh: "Vấn đề chính là phải xác định xem ai là người có quyền chiếm hữu đối với số tiền đó. Vụ án này cần được đánh giá tổng thể và toàn diện để xử lý cho đúng".